Chuyên mục sức khoẻ

HO VÀ CÁCH XỬ LÝ TRIỆU CHỨNG HO

HO VÀ CÁCH XỬ LÝ TRIỆU CHỨNG HO

1. Ho là gì?

Ho là cơ chế bảo vệ của cơ thể, có tác dụng làm sạch hoặc thông thoáng đường dẫn khí và đẩy các hạt/chất nhầy ra khỏi cơ thể. Đây là triệu chứng hô hấp phổ biến nhất và là biểu hiện bất thường của đường hô hấp. Triệu chứng này có thể làm suy nhược sức khỏe của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Có nhiều cách phân loại khác nhau: 

  • Theo chất tiết bao gồm ho có chất tiết (có đờm/dịch); hoặc không có chất tiết (ho khan, ho do co thắt, do kích ứng họng).

  • Theo thời gian: ho cấp tính (kéo dài dưới 3 tuần), bán cấp (từ 3 đến 8 tuần), mạn tính (kéo dài trên 8 tuần).

Nên đến bác sĩ để thăm khám trong trường hợp ho trên 3 tuần (bán cấp, mạn tính). Trường hợp thường gặp nhất là do nhiễm virus đường hô hấp trên, chẳng hạn như trong cảm lạnh hoặc cúm và thường tự khỏi trong vòng từ 3 đến 4 tuần.

HO VÀ CÁCH XỬ LÝ TRIỆU CHỨNG HO

2. Triệu chứng

2.1. Cấp tính

  • Do nhiễm virus: khởi phát đột ngột, có thể có đờm (đờm trong/ trắng) hoặc không có đờm, thường kèm theo các triệu chứng của cảm lạnh (đau họng, hắt hơi, viêm mũi, sốt). Các triệu chứng thường nặng hơn vào buổi tối.

  • Do dị ứng: thường theo mùa, không có đờm, kèm theo hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi và ngứa mắt, ngứa cổ họng.

  • Do viêm thanh-khí-phế quản: thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; trước đó sẽ có các triệu chứng của cảm lạnh, kèm khó thở, khò khè khi hít thở.

  • Viêm phổi: Ho khan, đau và có thể kèm theo sốt, khó chịu, khó thở, ớn lạnh, nhức đầu. Ban đầu không có đờm nhưng sau đó chuyển thành có đờm màu đỏ.

2.2. Bán cấp

Thường do nhiễm trùng đường thở, có thể xảy ra sau khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp và dẫn đến ho dai dẳng, không có đờm có thể kéo dài đến 8 tuần. 

Triệu chứng này thường sẽ tự khỏi và không cần điều trị.

2.3. Mạn tính 

Có thể do các bệnh lý hoặc do sử dụng thuốc có các tác dụng phụ gây ra.

3. Ảnh hưởng của tiền sử bệnh và lối sống

Tiền sử bệnh có thể góp phần gây ra ho mạn tính bao gồm:

  • Viêm phế quản mạn tính: Thường là do hút thuốc lá, đây là nguyên nhân phổ biến nhất. 

  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: có thể do dị ứng hoặc viêm mũi vận mạch, viêm xoang mạn tính, viêm mũi sau nhiễm trùng, viêm mũi có liên quan thai kỳ. Đặc điểm là khi cười hoặc khi nói trong thời gian dài và trầm trọng hơn khi nằm, họng thường sạch.

  • Bệnh hen phế quản: Kèm theo thở khò khè, tức ngực; trầm trọng hơn do lạnh hoặc khi tập thể dục; tăng lên vào ban đêm; tiếp xúc với dị nguyên.

  • Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: tăng lên khi nằm, vào lúc đói. Có triệu chứng ợ chua, đau thượng vị, cảm giác nóng rát sau xương ức chỉ xảy ra ở một số ít người.

  • Các nguyên nhân khác: bệnh lý (lao, tràn khí màng phổi, giãn phế quản, ung thư phổi, bệnh phổi kẽ, ho gà, suy tim), do tâm lý, liên quan đến tiền sử dùng thuốc.

Tiền sử dùng thuốc do người bệnh sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây ho như sử dụng các thuốc ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm, các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

Lối sống: tiếp xúc với chất kích ứng hô hấp (ví dụ: khói thuốc lá), hút thuốc lá.

4.  Dấu hiệu cần phải thăm khám bác sĩ

Cần đi khám bác sĩ khi có một trong các dấu hiệu sau đây: 

  • Ho kéo dài hơn 3 tuần.

  • Đau ngực.

  • Nghi ngờ ho gà hoặc viêm thanh khí phế quản.

  • Thở khò khè và/hoặc khó thở.

  • Đờm đặc, vàng hoặc xanh.

  • Đờm có máu.

  • Đờm có màu gỉ sắt.

  • Đờm sủi bọt và có màu đỏ hồng 

  • Đau ngực khi hít sâu.

  • Nghi ngờ tác dụng không mong muốn của thuốc 

  • Tái phát thường xuyên.

  • Ho liên tục về đêm đối với trẻ.

  • Có dấu hiệu suy nhược đối với người cao tuổi.

  • Người bệnh bị giảm cân mà không rõ nguyên nhân.

5. Hướng dẫn điều trị

5.1. Mục tiêu điều trị

  • Ho cấp tính – giảm triệu chứng.

  • Ho cấp tính hầu hết do nhiễm virus, không sử dụng kháng sinh bởi có thể gây nhiều nguy cơ hơn lợi ích của thuốc.

5.2. Các lựa chọn điều trị

Không nên sử dụng sản phẩm có chứa đồng thời thuốc giảm ho và thuốc long đờm/tiêu chất nhày.

Thuốc giảm ho trong thời gian ngắn có vai trò hạn chế trong điều trị trong trường hợp cấp tính. Không nên sử dụng khi ho có đờm và tránh trường hợp hen phế quản, bệnh mạch vành mạn tính.

Ngoài ra, những biện pháp được khuyến cáo như sử dụng siro, viên ngậm.

Thuốc tiêu chất nhày: làm loãng các dịch tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho chất nhày có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bởi hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đờm. Các thuốc trong nhóm như: guafenesin, bromhexin acetylcystein, carbocystein, ambroxol.

Thuốc kháng histamin: có thể hữu ích nếu ho đi kèm với chảy dịch mũi sau hoặc viêm mũi dị ứng nhưng cần tránh nếu có đờm (nguy cơ tắc nghẽn chất nhầy).

Thuốc thông mũi-giảm nghẹt mũi (thuốc dùng tại chỗ): có thể hữu ích nếu người bệnh đi kèm với ngạt mũi, nhưng nếu không có triệu chứng ngạt mũi thì nên tránh sử dụng. Các thuốc cường giao cảm tại chỗ như: naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin. Chú ý chống chỉ định sử dụng các thuốc cường giao cảm ở người tăng huyết áp, cường giáp, bệnh mạch vành, đái tháo đường và dùng đồng thời với các chất ức chế imonoamine oxidase.

Tóm tắt một số thuốc điều trị  

Một số các thuốc điều trị ho 1

Một số các thuốc điều trị ho 2

Một số các thuốc điều trị ho 3

6. Điều trị ho ở trẻ em

Các hướng dẫn sau nên được tuân thủ:

  • Chỉ nên sử dụng thuốc ở bệnh nhân đã được xác định không có dấu hiệu nào cần phải đi khám bác sĩ.

  • Không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi thuốc có chứa kháng histamin H1 có tác dụng an thần, thuốc giảm ho, thuốc long đờm hoặc thuốc chống sung huyết mũi.

  • Nên tránh sử dụng các chế phẩm có chứa long não cho trẻ em do nguy cơ gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương như co giật hoặc suy hô hấp.

  • Không nên sử dụng sirô chứa cồn: cồn có thể làm trẻ an thần và ức chế cơn ho.

  • Một số sirô ho có thể chứa hàm lượng đường lớn, nếu sử dụng quá nhiều, các sirô này có thể gây tiêu chảy thẩm thấu.

  • Không nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn uống sirô: đường trong sirô có thể làm trẻ giảm bú sữa mẹ.

  • Mật ong có thể hiệu quả ở trẻ em > 1 tuổi. Tránh sử dụng mật ong với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi.

7. Cung cấp thông tin và tư vấn

7.1. Cách sử dụng thuốc

Khi một loại thuốc không kê đơn được lựa chọn, người bệnh phải được hướng dẫn cách sử dụng, liều lượng chính xác và lưu ý khi sử dụng.

7.2. Biện pháp không dùng thuốc

  • Nghỉ ngơi, giữ ấm họng và cơ thể. Tránh không khí khô, khói thuốc lá, các chất gây kích ứng.

  • Uống nhiều nước. Uống ít nhất 2 lít nước (từ 6 đến 9 cốc nước) mỗi ngày.

  • Chanh nóng và mật ong (không thích hợp cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi). Thêm nước ép vắt từ nửa quả chanh và một đến hai thìa cà phê mật ong cho vào một cốc nước đun sôi và uống khi còn ấm.

  • Làm dịu họng bằng cách súc miệng với nước muối ấm, nhiều lần mỗi ngày.

  • Ngừng hút thuốc lá, hút thuốc là lý do phổ biến dẫn đến tình trạng ho liên tục.

Xem thêm bài viết viết tại đây.

 

 

 

Đang xem: HO VÀ CÁCH XỬ LÝ TRIỆU CHỨNG HO

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng