Chuyên mục sức khoẻ

NGHẸT MŨI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

NGHẸT MŨI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

1. Nghẹt mũi là gì?

Nghẹt mũi hay ngạt mũi là hiện tượng cả hai hay một lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn bít khiến người bệnh không thể thở dễ dàng bằng mũi. Thông thường, không khí khi đi qua mũi sẽ được hệ thống lông lọc bớt bụi bẩn, sau đó được lớp dịch tiết niêm mạc làm ẩm và cuối cùng được làm ấm bởi hệ thống mạch máu trước khi di chuyển xuống họng và tới phổi.

Vì vậy, khi bị nghẹt mũi, khoang mũi bị dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường đi của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn, người bệnh không thở được bằng mũi mà phải dùng miệng. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho người bệnh mà còn đem đến nhiều hệ lụy không tốt cho đường hô hấp, dẫn tới các bệnh như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản….

2. Nguyên nhân gây nghẹt mũi

Nghẹt mũi có thể gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân nào làm kích thích hoặc gây viêm ở mũi. Các nguyên nhân thường gặp nhất là viêm nhiễm (ví dụ như cảm cúm hay viêm xoang) và dị ứng.

Đôi khi nghẹt mũi và sổ mũi có thể gây ra bởi các chất trong môi trường như khói thuốc lá hay khói bụi xe cộ. Tình trạng này được gọi là viêm mũi không do dị ứng hay viêm mũi vận mạch. Nguyên nhân ít phổ biến hơn có thể gây nghẹt mũi là khối u.

Nghẹt mũi có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Thường là trong 3 tháng đầu thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất). Nguyên nhân gây ra điều này là do sự thay đổi hóc môn và tăng lượng máu cung cấp của cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai. Những thay đổi này còn có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, khiến nó viêm phù nề và dễ gây chảy máu mũi (chảy máu cam).

Nếu nghẹt mũi kéo dài hơn một tuần, nó thường là biểu hiện của một bệnh lý nào đó. Trong trường hợp này bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh.

3. Tác hại của nghẹt mũi

Bệnh nghẹt mũi không phải là một bệnh cấp tính nguy hiểm tức thời đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bạn chủ quan không chữa trị thì sẽ gây cản trở khá nhiều đến cuộc sống, lâu dần sẽ biến thành mãn tính hoặc biến chứng thành bệnh khác khó chữa hơn. Tác hại cụ thể của ngạt mũi có thể kể đến:

  • Người mệt mỏi, mất ngủ: Người bệnh cảm thấy khó thở, ngủ không ngon khiến người uể oải, mệt mỏi.
  • Thiếu oxy cho não: Đường đi của không khí bị hạn chế, không khí ấm, sạch không qua được mũi khiến lượng oxy vào phổi giảm dẫn đến thiếu oxy lên não, từ đó gây chóng mặt, đau đầu. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến người bệnh suy nhược cơ thể.
  • Viêm thanh quản, viêm họng: Nghẹt mũi kéo dài làm người bệnh phải thở bằng miệng. Điều này khiến cổ họng bị khô, không khí không được lọc sạch, khi vào thanh quản chúng có thể gây viêm thanh quản, viêm họng thậm chí viêm phế quản.

Bởi vậy, dù nghẹt mũi không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì bạn vẫn nên nhanh chóng chữa trị, tránh chủ quan khiến bệnh nặng thêm.

4. Điều trị

Sau khi bác sĩ đã xác định được nguyên nhân của triệu chứng nghẹt mũi kéo dài, họ có thể đưa ra một liệu trình điều trị phù hợp với bạn. Điều trị này thường bao gồm sử dụng các loại thuốc để làm giảm triệu chứng nghẹt mũi.

Những loại thuốc được dùng để điều trị nghẹt mũi bao gồm:

  • Thuốc kháng Histamin uống để điều trị triệu chứng dị ứng.
  • Kháng Histamin xịt mũi.
  • Corticoid xịt mũi.
  • Kháng sinh
  • Các thuốc co mạch làm thông mũi

5. Cách làm giảm nghẹt mũi tại nhà

Những phương thức chữa nghẹt mũi tại nhà dưới đây có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Nếu triệu chứng chảy mũi của bạn dai dẳng kéo dài, chảy nước mũi loãng trong, đặc biệt nếu kèm hắc xì hơi, ngứa hay chảy nước mắt. Đó có thể là những triệu chứng của dị ứng. Khi đó dùng kháng histamin có thể làm giảm triệu chứng của bạn. Bạn cần lưu ý tuân thủ đúng các hướng dẫn sử dụng của thuốc.
  • Bạn cần tránh những chất gây dị ứng đã biết.
  • Tránh những chất kích thích phổ biến như là khói thuốc, khói bụi và sự thay đổi độ ẩm đột ngột.
  • Uống nhiều nước, vì nước sẽ giúp làm loãng dịch nhầy của mũi.
  • Máy tạo độ ẩm giúp cung cấp độ ẩm cần thiết cho không khí trong nhà bạn. Qua đó giúp làm loãng chất nhầy trong mũi hay làm dịu hốc mũi bị viêm. Tuy nhiên, nếu bạn bị hen suyễn hay các bệnh lý hô hấp khác, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng máy làm ẩm không khí.
  • Nằm gối cao đầu cũng có thể khiến dịch nhầy dễ chảy ra hơn, đồng thời làm giảm lượng máu tới mũi. Điều này giúp giảm nghẹt mũi.
  • Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Khá an toàn với mọi lứa tuổi và dễ áp dụng. Đối với trẻ nhỏ, bạn nên dùng những dụng cụ chuyên dùng để bơm và hút mũi cho trẻ. Những dụng cụ này có thể giúp loại bỏ dịch nhầy ứ đọng trong hốc mũi.

6. Phòng ngừa nghẹt mũi như thế nào?

  • Xịt rửa mũi thường xuyên 1 - 2 ngày/lần bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc chai xịt chuyên dụng.
  • Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
  • Uống đầy đủ nước mỗi ngày, đặc biệt là khi trời hanh khô hoặc ngồi trong phòng điều hòa.
  • Xông hơi bằng tinh dầu hoặc nước ấm 1 tuần từ 2 - 3 lần.
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối khoáng.
  • Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung các vitamin làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày.
  • Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, có thể sử dụng máy lọc không khí, máy hút bụi... để tăng cường hiệu quả làm sạch.

Xem thêm các bài viết tại đây.

Đang xem: NGHẸT MŨI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng