Chuyên mục sức khoẻ

TIÊU CHẢY: BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

TIÊU CHẢY: BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

1. Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Lưu ý tính chất lỏng của phân vì nếu đi ngoài nhiều lần mà phân bình thường thì không phải là tiêu chảy. 

Ví dụ: trẻ được bú mẹ hoàn toàn đi ngoài phân sệt là bình thường.

2. Phân loại và nguyên nhân:

Có thể phân loại tiêu chảy theo thời gian: tiêu chảy cấp tính (thời gian tiêu chảy kéo dài < 14 ngày) và tiêu chảy kéo dài (thời gian tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày và dưới 30 ngày) và tiêu chảy mạn tính (thời gian tiêu chảy kéo dài > 30 ngày).

Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp là do nhiễm khuẩn (virus, vi khuẩn,ký sinh trùng), ngộ độc thức ăn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, loạn khuẩn ruột do dùng kháng sinh. Nguyên nhân gây tiêu chảy mạn tính bao gồm: khối u đại tràng, viêm loét đại trực tràng, lao ruột, hội chứng ruột kích thích, nhiễm độc giáp, suy thượng thận, rối loạn hoạt động thần kinh (sợ hãi, mệt mỏi, xúc cảm).

3. Triệu chứng:

Trong tiêu chảy, khối lượng phân, số lượng phân và/hoặc tần suất đi ngoài tăng lên. Tuy nhiên, tần suất đi ngoài bình thường có thể dao động trong khoảng từ 1-2 lần/ngày ở người lớn và vài lần/ngày ở trẻ nhỏ, vì vậy cần xem xét tần suất đi ngoài bất thường hơn là xem xét số lần đi ngoài mỗi ngày.

Đi ngoài không tự chủ (mất kiểm soát cơ vòng hậu môn không tự chủ dẫn đến thải phân) có thể được bệnh nhân mô tả là tiêu chảy. Vì vậy cần xác định tình trạng tiêu chảy để đảm bảo đánh giá và xử trí thích hợp.

Cần đánh giá mức độ mất nước và rối loạn điện giải (số lần đi ngoài, triệu chứng khác như sốt, nôn), tính chất phân của người bệnh.

  • Mất nước nhẹ (< 5%) bao gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và đau đầu nhẹ. 
  • Mất nước trung bình (5-10%) đặc trưng bởi khô miệng, mắt trũng, giảm lượng nước tiểu, khát vừa phải và da giảm đàn hồi (nếp véo da mất chậm từ 1-2 giây). 
  • Mất nước nặng (> 10%) bao gồm các triệu chứng li bì, mắt trũng, không uống được, nếp véo da mất rất chậm > 2 giây.

Tiêu chảy cấp kéo dài dưới 14 ngày và thường do các tác nhân nhiễm trùng, thuốc hoặc độc tố thực phẩm.

Tiêu chảy được coi là mạn tính nếu nó kéo dài hơn 30 ngày hoặc nếu có các đợt tiêu chảy lặp đi lặp lại, mỗi đợt kéo dài dưới 14 ngày. Tiêu chảy mạn tính thường là dấu hiệu của một quá trình viêm nhiễm.

4. Ảnh hưởng của các thuốc và lối sống

4.1. Các thuốc gây tiêu chảy

Các loại thuốc có thể gây tiêu chảy bao gồm:

  • Acarbose

  • Thuốc kháng sinh phổ rộng, đặc biệt là amoxycillin/clavulanate, erythromycin, clindamycin

  • Colchicin

  • Tác nhân gây độc tế bào

  • Digoxin

  • Thực phẩm và thuốc chứa sorbitol, mannitol, fructose, lactose

  • Thuốc nhuận tràng

  • Thuốc kháng axit chứa magie

  • Metformin

  • NSAID

  • Orlistat

  • Thuốc ức chế protease, đặc biệt là nelfinavir

  • Quinidin

  • Uống quá nhiều rượu và lạm dụng thuốc nhuận tràng 

4.2. Ảnh hưởng của lối sống

Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy thường lây truyền qua đường phân - miệng. 

Tiêu chảy do virus và vi khuẩn thường phát triển trong vòng một đến ba ngày kể từ ngày tiếp xúc với mầm bệnh, thức ăn hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh.

Tiêu chảy do ký sinh trùng thường có thời gian tiềm tàng từ 1 đến 5 ngày. 

Các nơi chăm sóc trẻ em (trường mẫu giáo) là nguồn phổ biến của các mầm bệnh tiêu chảy.

5. Trường hợp cần thăm khám Bác sĩ

Người bệnh cần đi khám bác sĩ khi bị tiêu chảy kéo dài hoặc khi tiêu chảy đi kèm với các triệu chứng sau:

  • Táo bón xen kẽ với tiêu chảy

  • Trong phân có máu, chất nhầy, hoặc cả hai

  • Sốt cao

  • Căng chướng bụng

  • Đau bụng nhiều

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân

  • Mất nước từ trung bình đến nặng.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi và người cao tuổi (do tăng nguy cơ mất nước, điện giải)

  • Bệnh nhân vừa đi du lịch nước ngoài trờ về

  • Nghi ngờ nhiễm trùng ngoài đường tiêu hóa

  • Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính khác cần được quản lý (ví dụ như bệnh đái tháo đường)

  • Nghi ngờ lạm dụng thuốc nhuận tràng (ví dụ như ở một người mắc chứng rối loạn ăn uống).

  • Trẻ không cải thiện tình trạng sau 2 ngày điều trị

6. Hướng dẫn điều trị

6.1. Mục tiêu của điều trị

  • Xác định nguyên nhân cụ thể và biện pháp điều trị phù hợp.
  • Giảm các triệu chứng và tái lập tính chất phân bình thường.
  • Dự phòng mất nước.
  • Phòng tránh các biến chứng

6.2. Các lựa chọn điều trị

Điều trị rối loạn cơ bản và bổ sung dịch để khắc phục tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải là mục tiêu chính trong việc kiểm soát tiêu chảy.

Giải pháp bù nước bằng đường uống là phương pháp tốt nhất để điều trị mất nước trong tất cả các trường hợp, trừ trường hợp nghiêm trọng.

Xác định đúng mức độ mất nước và lựa chọn biện pháp bù nước phù hợp:

Dung dịch bù nước qua đường uống: Hòa tan oresol trong lượng nước theo hướng dẫn trên nhãn thuốc; chỉ sử dụng nước đun sôi để nguội làm chất pha loãng; uống từ từ và thường xuyên khi các triệu chứng vẫn còn. Cần pha dung dịch oresol hàng ngày, bảo quản sạch sẽ. Không dùng dung dịch đã pha quá 24 giờ. Lưu ý rằng phải dùng một lượng nước chính xác để pha gói ORS. Nếu pha không đủ nước, dung dịch sẽ quá đặc gây nguy hiểm. Nếu pha quá loãng, sẽ không đạt hiệu quả điều trị mong muốn.

Tùy thuộc nguyên nhân gây tiêu chảy mà lựa chọn các loại thuốc không kê đơn phù hợp và hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng chi tiết. Một số lưu ý khi sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy:

  • Bismuth: Không sử dụng bismuth khi tiêu chảy có kèm sốt, có máu hoặc dịch nhầy trong phân.
  • Diosmectit: Không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi do có thể tiềm ẩn nguy cơ tích lũy kim loại nặng.
  • Loperamid: điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp không có biến chứng ở người lớn, không do nhiễm trùng nhiễm độc hoặc khi đã giải quyết nhiễm trùng nhiễm độc mà vẫn còn triệu chứng; kết hợp với liệu pháp bù nước; tiêu chảy mạn tính ở người lớn. Không dùng cho trẻ < 12 tuổi.
  • Lactobacillus acidophilus: điều trị tiêu chảy không có biến chứng, đặc biệt do dùng kháng sinh.

6.3. Điều trị tiêu chảy ở trẻ em

Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước: 

Dung dịch chứa muối: oresol, dung dịch có vị mặn như nước cháo muối, súp gà, súp rau

Dung dịch không chứa muối: nước sạch, nước cơm, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường). Những dung dịch không thích hợp khi bị tiêu chảy gồm loại nước ngọt có đường, trà đường, nước trái cây công nghiệp.

  • Trẻ từ 6 tháng đến < 2 tuổi : 50 - 100 ml lượng dịch cần uống sau mỗi lần đi ngoài và giữa mỗi lần.
  • Trẻ 2 - 10 tuổi : 100 - 200 ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa mỗi lần. 

  • Trẻ > 10 tuổi: uống theo nhu cầu.

6.4. Tác dụng không mong muốn của thuốc

 Người bệnh cần biết những tác dụng không mong muốn quan trọng và phổ biến nhất của thuốc và phương án điều trị đã lựa chọn:

  • Loperamid: Có thể gây đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và táo bón thường gặp.
  • Lactobacillus acidophilus: đầy hơi

7. Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ truyền mầm bệnh tiêu chảy, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi đại tiện, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn và xử lý phân (ví dụ như thay tã). Đồng thời cần đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước và sử dụng nước sạch để sinh hoạt.

Người bị tiêu chảy cần được xử trí phù hợp để ngăn ngừa lây truyền thêm.

Khi đi du lịch nước ngoài, chỉ uống nước đun sôi hoặc đồ uống đóng chai thương mại có uy tín. Chọn thực phẩm tươi, nấu chín kỹ và dùng nóng.

8. Theo dõi

Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu mất nước trong những trường hợp nghiêm trọng, những dấu hiệu này có thể bao gồm khô miệng, khát nước, mắt trũng sâu, mệt mỏi, thở sâu, mạch nhanh và huyết áp thấp và các triệu chứng khác cho thấy cần phải chuyển đi khám bác sĩ.

Có thể cần xem xét khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài hơn 48 giờ ở người lớn và 24 giờ ở trẻ em hoặc người cao tuổi, mặc dù đã sử dụng liệu pháp khuyến cáo.

Xem thêm bài viết tại đây.

 

 

Đang xem: TIÊU CHẢY: BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng